Đua nhau “thổi giá": BĐS lại... sắp chết.
Từ việc chủ đầu tư tự tay tăng giá bán nhà đến
việc các sàn bất động sản, các môi giới tham gia “thổi” giá, “đẩy” giá…
sẽ khiến thị trường bất động sản gặp nguy hiểm, có thể trở lại cảnh
trầm lắng.
Các
cụm từ “bán giá gốc”, “bán suất ngoại giao”… đang xuất hiện ngày càng
nhiều trên thị trường nhà đất thông qua các môi giới nhằm “câu” khách.
Thậm chí, có dự án môi giới còn mập mờ khi có thêm “chiêu” không tính
thuế VAT, phí bảo trì 2% vào giá căn hộ để có mức giá rao bán thấp hơn
cả giá của chủ đầu tư.
Câu chuyện “giá chênh” xuất hiện trên
thị trường thời gian gần đây không còn là chuyện lạ khi người mua nhà
nắm được chiến thuật “bắt tay” giữa chủ đầu tư và các sàn bất động sản (BĐS).
Chủ đầu tư thường giao hàng độc quyền
cho một vài sàn BĐS và các đơn vị này với chức năng chính là môi giới sẽ
làm “thủ thuật”, tạo sự khan hiếm ảo, khiến người mua khó tiếp cận. Còn
chủ đầu tư, tuy còn “hàng” nhưng nếu người dân hỏi đến sẽ trả lời là
“hết”. Một mặt là để cùng tạo khan hiếm giả, mặt khác, tiếp tay cho các
sàn “đẩy” giá lên. Điều này khiến cho người mua nhà không biết được đâu
là giá thực của căn hộ.
Theo
chuyên gia, việc "thổi" giá bất động sản sẽ khiến thị trường gặp nguy
hiểm, hoặc có thể khiến thị trường trở lại cảnh trầm lắng. Ảnh: Minh Thư
Một chiêu thức phổ biến nữa đang được
một số chủ dự án BĐS áp dụng, đó là mở bán theo nhiều đợt với số lượng
căn hộ khác nhau và tăng giá cao dần trong các đợt mở bán sau. Cụ thể,
lần mở bán đầu tiên bao giờ cũng như lần mở bán “rắc thính” để “hút”
khách hàng bằng số lượng căn hộ ít ỏi và mức giá khá hấp dẫn, có thể là
mức giá rẻ nhất trong các đợt mở bán của chủ đầu tư.
Các lần mở bán sau sẽ có mức giá tăng
dần so với những lần mở bán trước khiến khách hàng đang “ngắm” dự án,
đang có ý định đầu tư sẽ thấy sốt ruột và nghĩ rằng dự án rất hấp dẫn
người mua và đã bán hết những căn mở bán trước nên mới tăng giá.
Có thể nói đó là hàng loạt “chiêu trò”
“thổi” giá đang hiện hữu trên thị trường nhà đất. Nói là “chiêu trò” vì
thị trường hiện không hề khan hiếm nguồn cung khi theo số liệu của Bộ
Xây dựng thì đến nay tổng giá trị tồn kho BĐS còn khoảng hơn 70.703 tỷ
đồng. Theo dự báo của nhiều đơn vị nghiên cứu, tư vấn BĐS thì từ nay đến
cuối năm 2015 và sang năm 2016 thì trị trường còn đón nhận thêm lượng
nguồn cung “khủng” tới vài chục nghìn căn hộ nữa.
Vì vậy, theo giới chuyên gia trong
ngành, nếu giá BĐS lại bị “đội” lên so với giá thật quá nhiều thì rất
nguy hiểm, không chỉ làm mất lòng tin người tiêu dùng mà có thể làm mất
thanh khoản ở một phân khúc, hoặc lại làm trầm lắng cả thị trường như
trước đó đã xảy ra.
Theo ông Trần Ngọc Quang, Tổng thư ký
Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, hiện tượng một số chủ đầu tư, nhà môi
giới tìm cách tăng giá đột biến, tạo nên “sốt ảo” ở một số dự án, chạy
theo lợi nhuận nhất thời sẽ đánh mất lòng tin của khách hàng, thể hiện
sự chưa chuyên nghiệp của thị trường hiện nay và làm giảm tiến trình
phục hồi thị trường BĐS.
Ông Quang cho rằng, chúng ta cần phát
triển thị trường một cách bền vững, tránh tình trạng tăng giá bán một
cách đột biến qua hệ thống bán hàng bởi điều đó sẽ phá vỡ sự phát triển
lành mạnh của thị trường.
“Mục tiêu chúng ta là đưa giá BĐS về sát
với giá trị thực, gần với nhu cầu của người dân, chứ không phải đưa giá
BĐS ngày càng cao lên, sẽ rất nguy hiểm.Thị trường bền vững và cân đối
đấy mới là điều chúng ta kỳ vọng. Chúng ta không mong muốn sự phát triển
quá nóng hay sự bùng nổ ở giai đoạn nhất thời nào đó”, ông Quang nhấn
mạnh.
Ngoài ra, theo vị Tổng thư ký Hiệp hội
BĐS thì hiện thu nhập của người dân còn thấp hơn nhiều so với giá bán
BĐS nên việc áp dụng các thành tựu khoa học, công nghệ để nâng cao chất
lượng, đa dạng hóa sản phẩm… sẽ góp phần làm giảm dần khoảng cách giữa
giá BĐS với khả năng thực tế của người mua nhà.
Theo Minh Thư (Infonet.vn)
Đăng nhận xét